Trước hôn nhân, trai gái có thể thoải mái ngủ với nhau để chọn bạn tình trăm năm mà không bị ngăn cấm. Đó là phong tục “ngủ mái” độc đáo của đồng bào dân tộc Thổ ở huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa.
Bản làng dân tộc Thổ ở Thanh Hóa |
Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Tây Nam, huyện Như Xuân là vùng đất mà người dân tộc Thổ định cư từ hàng ngàn năm trước. Hiện dân tộc này đang còn lưu giữ nhiều nét phong tục độc đáo trong yêu đương, cưới hỏi và tục “ngủ mái” (quan hệ trước hôn nhân) là một nét văn hóa lạ của dân tộc này.
Ngược Quốc lộ 45, khi quan đỉnh dốc Trầu là chúng ta đặt chân tới xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, nơi tập trung đông người dân tộc Thổ ở huyện miền núi này. Theo truyền thống thì cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay những ngày hội hè khi hoa rừng bung nở, cỏ cây đâm chồi nảy lộc cũng là mùa trai gái các bản làng bắt đầu đi tìm bạn tình.
Dân tộc Thổ còn lưu giữ được nhiều phong tục cổ |
Cụ Lê Hữu Quý, năm nay 85 tuổi, ngụ bản Thấng Sơn, xã Yên Lễ, là một trong những cao niên trong làng. Ông được xem như “bảo tàng sống” của người Thổ với kho tàng kiến thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình. Cụ Quý cho biết tục “ngủ mái” có từ xa xưa, người Thổ sống gần gũi, thoải mái nên chuyện yêu đương cũng vậy. “Khi đến tuổi lập gia đình, con gái con trai tự do thoải mái tìm hiểu nhau. Khi đã ưng cái bụng, con gái có thể đưa con trai về nhà mình và ngủ chung với nhau. Họ có thể trò chuyện, tâm sự cả đêm nhưng bố mẹ không ngăn cấm. Điều quan trọng là hai người không có huyết thống với nhau và không được để có bầu trước khi cưới” - cụ Quý cho biết.
Con gái lớn lên có thể thích hò hẹn, “ngủ mái” bao nhiêu người cũng được, nó sẽ không ảnh hưởng tới chuyện chồng con sau này của cô gái. “Tuy nằm chung giường, chung chiếu, chung chăn và không có ai giám sát, nhưng luật của Thổ rất nghiêm nên trai gái sẽ không dám làm những chuyện tày đình. Sau khi tìm hiểu, nếu ưng cái bụng đôi trai gái đã có ý từ trước đồng ý về sống cùng nhau, chàng trai sẽ về thông báo với gia đình để chuẩn bị sính lễ đến nhà cô gái làm đám nói. Cùng với những lễ vật đã được sắm rất chu đáo, bên nhà trai sẽ nhờ một người có uy tín trong họ hàng để làm ông mai dẫn đến nhà gái” - cụ Quý cho biết thêm.
Nhà trai mang sính lễ hỏi đến nhà gái |
Theo các cụ cao niên bản Thấng Sơn, ngoài tục “ngủ mái”, lễ cưới của người dân tộc Thổ cũng có nhiều nghi lễ độc đáo, riêng biệt. Lễ cưới của người Thổ thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, gần Tết Nguyên đán. Bởi sau khi thu hoạch thời gian rảnh rỗi, có nhiều lương thực, vật nuôi béo tốt… giúp cho việc tổ chức làm đám thêm thuận lợi đông vui.
Lễ cưới hỏi của người Thổ khá phức tạp, cầu kỳ. Đầu tiên, nhà trai phải tiến hành làm lễ dạm ngõ. Trong lễ dạm ngõ nhà trai chuẩn bị một chai rượu, sáu miếng trầu, sáu miếng cau để tới nói chuyện với nhà gái. Những người đại diện cho gia đình nhà trai tới thưa chuyện với nhà gái gồm bố đẻ, ông chú và một người có uy tín của dòng họ.
Sau 3 ngày từ hôm dạm ngõ, nếu nhà gái không mang lễ vật tới trả thì họ đã đồng ý kết mối thông gia, cho đôi trẻ đến với nhau. Nhà trai sẽ tiến hành bước tiếp theo là ăn hỏi, lễ ăn hỏi phải có rượu, trầu cau, trà, thuốc bánh kẹo, hoa quả. Sau lễ ăn hỏi là lễ thăm nhà, lễ này gồm trầu cau, rượu các loại bánh gai, bánh rán, bánh nổ, bánh thính… để tạo mối tình thông gia thêm khăng khiết.
Lễ cưới được tổ chức sau ngày thu hoạch |
Khi đã hoàn thành các lễ trên, chàng rể tương lai phải tới nhà gái ở rể lao động định mỗi tháng một vài ngày, cho tới khi nào nhà gái đồng ý mới thôi. Nếu nhà trai có điều kiện không muốn con ở rể có thể nộp cho nhà gái 1, 2 con trâu, bò. Trong quá trình đi ở rể, chàng trai không được ăn cùng mâm với mẹ và chị của vợ. Chàng rể phải làm việc nặng nhọc và chỉ được nuôi ăn, còn quần áo và mọi nhu cầu khác phải tự túc.
Trong ngày hôn lễ, những món cỗ cưới không thể thiếu gồm có thịt lợn, lòng lợn luộc, chả xương băm, cháo nấu bằng nước luộc thịt, xôi và bánh đa. Tất cả các món ăn được để lên một chiếc lá chuối, còn cháo cho vào bát.
Lúc đón dâu, nhà gái chăng dây bạc ngang cổng không cho vào, bắt phải trả lời được những câu hát đố của trai tài gái giỏi bên nhà gái mới được vào. Trả lời không được thì phải đặt vài ba quan tiền, nếu không sẽ bị té nước. Khi nhà trai vào cổng nhà gái mang tất cả nón mũ của nhà trai và một cơi trầu đặt trên một chiếc bàn trước cổng. Mỗi người nhà trai phải chuộc lại nón mũ bằng một số tiền nhất định và nhà gái mời lại người đó một miếng trầu.
Đám cưới người Thổ còn giữ được nét truyền thống |
Đám cưới của người Thổ rất lạ và có lẽ chẳng có dân tộc nào có đó là lễ rước dâu diễn ra vào ban đêm, những người đi trước dùng nứa làm đuốc dẫn đường. “Theo quan niệm của dân tộc chúng tôi, đám cưới đi ban đêm để sau này cuộc sống bên nhà chồng có gì trục trặc tới mức chia tay thì “vía” của người con gái không biết lối quay về nhà bố mẹ đẻ nên đành cam chịu trọn đời sống với gia đình nhà chồng” - ông Nguyễn Văn Hồng cho hay.
Trong khi làm lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ sẽ được những bậc cao niên trong dòng họ, cha, chú trong dòng họ mừng tuổi bằng tiền, mỗi người tham gia mừng tuổi đều được cô dâu chú rể mời một chén rượu và một miếng trầu cau. Về nhà chồng, nàng dâu không được ngồi với bố mẹ và anh chồng. Nàng dâu phải đổi theo họ chồng được gọi bằng tên chồng khi chưa có con và gọi theo tên con khi đã có con.
Sinh hoạt văn nghệ của người Thổ |
Cụ Quý cho biết thêm cứ mỗi khi tổ chức xong đám cưới gia đình, nhà trai lại mổ lợn làm cơm mời anh em bè bạn và có lời cảm ơn vì đã giúp đỡ trong ngày cưới. Sau 3 ngày kể từ ngày cưới, người Thổ xứ Thanh lại có phong tục cũng rất quan trọng đó là lễ cúng gia tiên bên nhà vợ. Đồ lễ được đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị 1 con gà, 1 chai rượu, 1 đĩa cơm nếp. Lễ cúng này có ý nghĩa con cháu đã về nhà chồng đủ 3 ngày, hôm nay về thăm nhà có mâm lễ báo cáo với tổ tiên xin ông bà tổ tiên phù hộ cho hai cháu sống mạnh khỏe hạnh phúc, đến lúc này lễ cưới mới chính thức hoàn thành.
Phong tục “ngủ mái” và lễ cưới hỏi của người Thổ xứ Thanh có một nét văn hóa rất riêng biệt, nó đã tồn tại hàng ngàn năm và vẫn trường tồn cùng với dân tộc này.
Theo T.Minh -T.Hóa (Người Lao Động)
Đăng nhận xét