GuidePedia

0
Thả diều là một thú vui dễ say mê. Tìm tre làm một cái khung diều đơn sơ, chắc chắn. Phất giấy lên, cho thêm mấy dải giấy dài làm đuôi. Cột diều vào một cuộn dây. Thế là có một con diều, sẵn sàng bốc mình lên cao.
Buổi chiều trời có gió, đem diều ra cánh đồng, nương theo chiều gió mà phóng con diều lên. Con diều chao đảo một chút rồi là là và cao lên dần. Người chơi diều cứ từ từ thả sợi dây dài thêm để con diều càng lúc càng bay cao hơn. Khi lên cao, diều vui với nắng, với gió, với bầu trời xanh, còn người chơi thì vui với niềm vui của con diều. Lúc ấy, buộc sợi dây vào một vật nặng nào đó, người chơi nằm dưới một gốc cây, ngửa mặt lên trời ngắm cánh diều thân yêu của mình mà ngẫm nghĩ: giá mình lúc nào cũng được bay thật cao như con diều vậy. Bay cao, bay bổng vốn là ước mơ muôn thuở của con người.
Những ai say mê với thú thả diều có thể ghé về Thái Bình vào dịp cuối tháng Ba âm lịch để dự hội Sáo Đền - lễ hội thả diều độc đáo được ít người biết đến. Hội thả diều Sáo Đền diễn ra từ ngày 20 đến 27.3 âm lịch hằng năm tại xã Song An, huyện Vũ Thư. Về đây người ta còn tìm về một trong những cái nôi của các làn điệu chèo ngọt ngào nổi tiếng.

Cũng như mọi lễ hội khác, ngoài phần lễ là phần hội. Phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, cờ người, bắn cung, bắt vịt... và trò thi diều sáo. Đã từ hàng trăm năm nay luật chơi không hề thay đổi. Người chủ diều chọn đúng hướng gió kéo dây. Ban tổ chức cắm hai cây sào trên đầu có buộc hai lưỡi mác rất bén cắm hai cây sào đó hai bên dây diều, khoảng cách của hai cây sào là 50cm.
Trống lệnh nổi lên, các chủ diều kéo căng dây và đâm lên. Con diều nào không chuẩn đảo qua đảo lại, dây diều sẽ chạm phải hai lưỡi mác trên hai ngọn sào là đứt dây ngay! Như vậy cánh diều đó bị loại khỏi cuộc chơi, cứ thế diều nào đậu được đến ngày cuối cùng của hội thì chủ diều đó đoạt giải. Mỗi năm chỉ duy nhất một người đoạt giải, có năm không có ai đoạt được giải diều.

Ngoài việc đậu đến hết hội ở giữa hai lưỡi mác thì con diều giải nhất phải có tiếng sáo thật hay. Sáo hay là bộ sáo gồm 2 sáo trở lên, tiếng sáo trong trẻo, âm thanh giữa các sáo trong bộ sáo phải phối hợp cho nhau hài hoà, ngọt ngào, du dương...

Về dự lễ hội, du khách như nghe văng vẳng trong tiếng sáo diều bài thơ “Thả diều” của Trần Đăng Khoa:
Trời như cánh đồng
Xong mùa gặt hái
Diều em - lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại
...
Cánh diều no gió
Nhạc trời réo vang
Tiếng diều xanh lúa
Uốn cong tre làng…

Theo báo Tây Ninh

Đăng nhận xét

 
Lên đầu