Lập Thạch là vùng đất cổ thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Những dấu ấn tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân bản địa qua trường kỳ lịch sử hiện nay còn xuất hiện với mật độ dày đặc. Trước khi tách huyện Sông Lô thành huyện riêng, toàn huyện Lập Thạch có ít nhất 22 làng, thôn thờ tới 79 vị thần núi, thần sông; nhiều tín ngưỡng cổ: Thờ thần đá, thần cây, thần sông, thần núi… một vài nơi còn tồn tại việc thờ cúng các vật tính giao (một loại hình tín ngưỡng cũng rất cổ).
Một khúc sông Đáy ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc |
Lập Thạch có trên 100 di tích lịch sử văn hóa ở khắp các xã, thị trấn, trong đó có 25 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh; có mật độ di tích đã được xếp hạng dày nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Đình Tây Hạ là di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng, thuộc thôn Tây Hạ, xã Bàn Giản. Đình thờ Định Xá Đại Vương, được phong làm “Bản cảnh Thành hoàng” của làng Tây Hạ.
Định Xá Đại Vương hay Trương Định Xá là nhân vật thời Hùng Duệ Vương, nguyên quê quán ở Gia Cát – Bạch Hạc, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây nay thuộc Việt Trì. Bố có tên là Trương Bang, mẹ là Phùng Thị Nhiễu. Cả hai ông bà đều làm nghề chở đò và đánh cá. Do siêng năng làm ăn và tích cực làm việc thiện nên dần trở nên giàu có. Nhưng ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai; ông bà đi khắp nơi cầu đảo.
Một lần, sau khi cầu đảo ở chùa Tây Thiên về thì gặp gió to trên sông Đáy nên nán lại một ngôi miếu, tức là ngôi miếu cạnh chùa Tây Hạ hiện nay, ở đó bà gặp điềm lành về nhà bà Trương có thai, đến ngày mồng 7 tháng giêng năm Quý Tỵ (Năm 328- TCN) thì sinh được một con trai, đặt tên là Định Xá. Khi lớn lên, do có tài văn và võ, nên Định Xá được vua Hùng Duệ Vương tuyển dụng và phong làm Chỉ huy sứ Tả tướng.
Đình Tây Hạ ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc |
Trong cuộc đời làm tướng, Định Xá có hai chiến công lớn: một là, được vua Hùng Duệ Vương cử cho làm lầu kén rể ở cửa sông, trước cửa thành Việt Trì. Hai là, khi Thục Phán mạnh lên, thôn tính đất đai của Vua Hùng, Định Xá được cử làm tướng tiên phong đi dẹp nhà Thục. Khi đi đến đầu khu Tây Hạ bèn cùng sĩ tốt và nhân dân lập một đồn để phòng Thục. Sau đó, Định Xá triệu tập phụ lão tới hội nghị. Trong lần gặp ấy, phụ lão khu Tây Hạ kể lại 30 năm về trước có vợ chồng thuyền chài đi cầu đinh vì gặp mưa to gió lớn đã tạt vào miếu nơi đây nán nhờ, từ đó không thấy quay lại đây. Định Xá nói “Việc đó chính là chuyện của ta đây”.
Nghe vậy các phụ lão đều đồng lòng giúp cho Định Xá, nhờ vậy mà ông đã chọn được 35 người ở làng này làm tướng dưới quyền. Sau đó thì tiến hành cuộc bình Thục. Trong một trận chiến đấu quyết liệt ở chân núi Sóc Sơn, quân sĩ đã quá mệt mỏi, đói khát, thế trận gần như tan rã. Định Xá chỉ còn biết ngửa mặt lên trời cầu nguyện thì may đâu bầu trời bỗng nhiên đen kịt, tối tăm, mưa như trút nước. Nhờ cơn mưa đó, tinh thần quân sĩ hồi phục, người người dừng cơn khát, khí thế lại bừng bừng, do vậy mà đã chiến thắng quân Thục. Sau chiến công ấy các vị phụ lão khu Tây Hạ xin mãi mãi về sau dân làng được làm việc dưới trướng tướng quân Định Xá. Tướng quân cho khu Tây Hạ 30 hốt vàng bạc để mua ruộng, mua ao.
Tin thắng trận ấy đến nhà Vua, Hùng Duệ Vương liền ban thưởng cho tướng sĩ Định Xá và phong thực ấp cho ông ở huyện Lập Thạch ngày nay. Định Xá vâng mệnh vua, ông đến khu Tây Hạ thấy thế đất ở đây thực là một mạch sơn thủy vòng quanh, rồng chầu hổ phục, núi không cao mà nước chảy quanh vòng, giếng không sâu mà đủ nước dùng quanh năm nên đã đặt bản doanh ở đây, khi sống thì đặt sinh từ, khi chết thì làm nơi tế tự. Về sau các triều đình đều có phong tặng. Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế đã tặng phong “Bản cảnh Thàng hoàng Định Xá tế thế, hộ quốc khang dân, phù vận, uy linh đại vương”. Tặng phong Thông minh, chính trực. Từ đó về sau trở nên linh ứng, các đế vương đều gia phong chữ đẹp.
Tưởng nhớ đến công lao của ông trong việc bảo vệ đất nước và có công với làng Tây Hạ nên nhân dân đã lập ngôi đình để thờ phụng vị quan chỉ huy sứ Tả tướng thời Hùng Duệ Vương. Nơi đây hàng năm tổ chức nhiều lễ hội, và đặc biệt ở nơi đây còn có tục kiêng kỵ các tên như: Định, Xá…đều nhằm mục đích duy nhất là tôn thờ Đức Thánh Đại Vương Định Xá, suốt hơn 2.200 năm.
Đình Tây Hạ được cho là xây dựng trước đời Cảnh Hưng thứ 15 (1754) hoặc muộn nhất cũng vào đầu thế kỷ thứ XVII. Khi mới xây dựng đình chỉ có đại đình với gác thượng cung của gian giữa, còn hậu cung được lập vào thế kỷ XIX(1868). Đình Tây Hạ được xây dựng và tu sửa 3 lần lớn vào các năm 1754, 1860 và 1868. Do có ba thời điểm xây dựng và tu sửa nên nhìn chung kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc cũng có ba đặc điểm khác nhau, nhưng có tính kế thừa truyền thống kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của dân tộc. Ngày nay, đình còn lưu giữ được những cột, vì kèo, trạm trổ điêu khắc từ lúc lập đình như: Đầu dư phía ngoài cột ở bên giữa gian trái, xà ngang phía dưới của thượng điện… Tất cả các bộ phận này đều có màu gỗ cũ nhất đình với kỹ thuật tinh vi, còn lại đa số các bức trạm chổ, điêu khắc và di vật bằng gỗ chủ yếu mang yếu tố nghệ thuật thời Hậu Lê ở giai đoạn cuối.
Kiến trúc đình Tây Hạ hiện nay |
Kiến trúc đình Tây Hạ hiện nay có kiểu chữ Đinh, tọa lạc ở đầu làng Tây Hạ. Cổng đình được tạo dựng với hai cột đồng trụ và hai cánh phượng hai bên; bên trên có xây đắp thành hình lồng đèn. Qua cổng đình là sân đình rộng thoáng. Nếu đứng ở giữa sân đình quan sát mặt chính điện, thì thấy đình Tây Hạ là một ngôi đình cổ mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê, với các đầu đao cong vút, nhìn phía trước trông ngôi đình thấp nhưng rất bề thế trang nghiêm, trông như hình nấm. Nhìn tổng thể phía ngoài của ngôi đình trông rất đồ sộ, vững chắc, quy mô lớn. Mái đình lợp bằng ngói mũi hài, có tới hơn 10 loại ngói kích thước khác nhau Đi dọc theo phía hiên đình thấy trên các góc, các đầu dư của cột được trạm trổ những đề tài khác nhau như hoa lá, mây với những đường nét uyển chuyển rất đẹp mắt.
Điểm nổi bật nhất về nghệ thuật trong trang trí và điêu khắc của ngôi đình là chính điện có bộ cửa võng. Bộ cửa võng chia làm ba lớp. Trên cùng của cửa võng là bức trạm điêu khắc gỗ mặt hổ phù miệng ngậm chữ thọ với kỹ thuật trạm trổ tinh vi trông nghiêm nghị nhưng vẫn toát ra được ý nghĩa khuyên người ta làm điều thiện sẽ được sống lâu. Đến phía dưới chính điện có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng có đục khắc ở giữa có 4 chữ đại tự “ lộc thọ phú quý”. Nội dung bức trạm là các đề tài tiên rồng, và bông lúa.
Trên các cột trụ có khắc chạm một con rồng ở tư thế bò từ trên xuống, uốn vòng quanh cột trụ theo chiều thẳng đứng, trên đỉnh đầu rồng chạm khắc một tiên ông ở cột trụ bên phải và chạm tiên nữ ở cột trụ phía trong. Bộ cửa võng ở đình Tây Hạ là biểu tượng tín ngưỡng cổ truyền của tiên và rồng hợp nhất thành một chỉnh thể cộng đồng người Việt cổ ở thời đại Văn Lang hay đây cũng là cách để giải thích về nòi giống con rồng cháu tiên của người Việt cổ. Bộ cửa võng như vậy vừa mang ý nghĩa xa xôi, sâu sắc, vừa có hình thức kỹ thuật tuyệt mỹ. Bên cạnh bộ cửa võng thì ở phía ngoài thượng điện có trạm khắc nhiều hình tượng như đôi rồng ở trên thanh xà, cụm hoa lá ở trên các vì kèo, hay một con long mã; tất cả các bức trạm này đều mang tính nghệ thuật của triều Nguyễn.
Gian hậu cung đình Tây Hạ |
Phía trong là hậu cung cũng chính là nơi linh thiêng của ngôi đình. Ở đây cũng có những trạm khắc độc đáo như ở ban tiền của hậu cung khắc bộ lưỡng long chầu nguyệt (nghệ thuật thời Nguyễn). Ở hai bên góc chạm hai con nghê mang tính nghệ thuật vào thời Hậu Lê. Ở bộ cửa cũng được chạm khắc hình tượng lưỡng long chầu nhật và lưỡng long chầu nguyệt được chạm trên nền hoa lá. Nơi đây đặt bộ long ngai - bài vị được đục trạm tinh vi, sơn son thếp vàng. Trên bài vị có ghi dòng chữ vàng: “Đức vua thông minh chính trực/Định Xá uy linh đại vương”. Ở các gian còn lại của ngôi đình cũng được trạm khắc các cụm hoa lá tinh tế.
Đình Tây Hạ có 91 hiện vật bằng gỗ, đồng, gốm sứ, da, vải và giấy được bảo lưu. Các hiện vật này đều làm vào triều Nguyễn và trong thời gian gần đây.
Với lối kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn, lại thờ Định Xá đại vương là tướng thời vua Hùng cùng với những giá trị về khoa học và nghệ thuật nên đình Tây Hạ là nơi cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, về văn hóa cổ truyền, về kiến trúc cổ, nghệ thuật điêu khắc gỗ ở thế kỷ thứ XVII, XVIII và XIX. Những giá trị to lớn đó của đình Tây Hạ đã được nhà nước xếp hạng là Di tích cấp quốc gia vào ngày 21 tháng 01 năm 1992.
Ngày nay, Đình Tây Hạ đã và đang thu hút được lượng khách đông đảo tới tham quan, nghiên cứu không chỉ bởi những truyền thuyết về người tướng tài Định Xá hay bởi những bức trạm trổ nhiều ý nghĩa mà nơi đây còn giữ được những lễ hội, những trò chơi cổ truyền, những phong tục tập quán mà ít nơi giữ được, lại nằm gần cụm di tích Bàn Giản – nơi có lễ hội cướp phết diễn ra vào tháng giêng hàng năm thu hút hàng trăm người tham dự và hàng nghìn người tới xem.
Theo Du Lịch Vĩnh Phúc
Đăng nhận xét