Tôm tít (còn gọi là tôm tích, bàn chải, bề bề...) là loài giáp xác biển, thân thon dài, bè dần về phía đuôi theo hình tam giác và đặc biệt là có cặp càng giống của bọ ngựa.
Tôm tít ở Cà Mau |
Muốn bắt được tôm tít, ngư dân phải dong thuyền ra vùng biển giáp cửa sông, nơi có nguồn mùn phù sa màu mỡ, sạch mát, độ mặn vừa phải. Tôm tít thường vùi mình trong lớp bùn cát để ẩn náu và săn mồi. Thức ăn chủ yếu là các loài cá nhỏ, vi sinh vật có trong những vùng nước giàu dinh dưỡng này.
Tôm tít thường bắt được ở cửa biển giáp sông |
Trước đây, mỗi khi tàu đánh cá cập bến, các mẹ, các chị chỉ lựa ra những loại cá, tôm có giá trị để giao cho vựa hoặc mang ra chợ bán, còn những con tôm tít nhảy xoi xói thì bị gạt qua một bên, bởi bán không ai mua mà ăn hoài cũng ngán.
Thế rồi có người sáng kiến chế biến tôm tít thành món khô dành để ăn dần. Ban đầu làm chỉ để gia đình ăn, nhưng đôi khi nhà có khách đột xuất, khô tôm tít trở thành món “chữa cháy” để chủ khách nhâm nhi trong khi chờ mồi nhậu dọn lên. Ai đã tình cờ được nhấm món khô này rồi thì đố mà quên được. Dần dà “tiếng lành đồn xa”, khô tôm tít bỗng dưng lên ngôi và hiện trở thành món đặc sản với giá lên đến 400.000 đồng/kg.
Khô tôm tít là món đặc sản xuất khẩu có giá trị cao |
Từ chỗ chỉ một vài người làm để ăn chơi, đến nay, khô tôm tít đã trở thành hàng hóa, được sản xuất nhiều tại các cửa biển: Đá Bạc (H.Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân), Đất Mũi (H.Ngọc Hiển)... Theo lời của những người trong nghề, để làm khô tôm tít, phải bóc bỏ vỏ tôm, rửa sạch, tẩm thêm gia vị, ép thành những miếng tròn rồi đem phơi. Giống như tôm khô, muốn khô tôm tít ngon ngọt và giữ được mùi vị đặc trưng cần phải phơi dưới nắng thật tốt. Khô tôm tít có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon mà đơn giản như luộc, chiên hay nướng. Thịt tôm khô ngon ngọt, đậm đà hương vị biển.
Người bản xứ ví von: “Nhớ Cà Mau thì ít mà nhớ tôm tít thì nhiều” để tôn vinh món ăn chân quê này, quả là chí lý.
Theo Gia Bách (Thanh Niên Xuân)
Đăng nhận xét