Vườn chim Vàm Hồ (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, Bến Tre) là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Vùng đất này từ hơn 100 năm nay vẫn được gọi bằng cái tên “cù lao Lá”. Thuở xưa, nơi đây chỉ là một con rạch nhỏ, đổ ra sông Ba Lai, dần dần do phù sa bồi đắp mà nên.
Vườn chim Vàm Hồ (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, Bến Tre) |
Với độ cao trung bình khoảng 1,2 m so với mặt nước biển, Vàm Hồ là địa điểm lý tưởng cho các loài thực vật phát triển tạo thành một dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục héc-ta xuôi theo dòng Ba Lai. Đó chính là nơi trú ngụ của hơn nửa triệu con chim các loại. Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ có khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám...; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo....; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn...
Vàm Hồ là nơi trú ngụ của nhiều loài chim |
Cứ đến tháng 4 hàng năm, khi trời bắt đầu có mưa và kéo dài cho đến tháng 10 âm lịch là đến mùa quần cư và sinh sản của chim. Trên các ngọn chà là, tổ chim treo oằn những cành cây. Mỗi buổi sáng sớm, các loài vạc ăn đêm kéo về nghỉ ngơi, còn các loài chim khác thì thức dậy bắt đầu ngày mới. Sân chim Vàm Hồ không chỉ có các loài chim bản xứ, thỉnh thoảng, các loài chim di cư từ những vùng khác như Trung Quốc, Nga, Úc trên đường bay tới biển Đông ghé qua tá túc, tìm thức ăn rồi lại đi tiếp. Hiện tại, nơi đây có hơn 700.000 con cò, vạc và các loại khác như còng cọc, le le, bìm bịp... Ðịa hình vàm gần sông, thức ăn dồi dào nên số lượng chim, cò ngày một gia tăng. Chim, cò làm tổ trên ngọn cây chà là, còn cây đước là chỗ đậu sau khi chim kiếm ăn về.
Vàm Hồ mang đến bản hòa âm đặc sắc của nhiều loài chim |
Đến đây, du khách sẽ thích thú với quang cảnh bao la, những cánh cò, cánh vạc bay lượn như hòa cùng mây nước. Không khí trong lành tươi mát từ lá hoa, cây cỏ, từ gió sông Ba Lai thổi vào. Tiếng chim hót, vạc kêu, cành cây xào xạc tạo nên một rừng âm thanh sống động. Tuyệt vời nhất là lúc mặt trời vừa xuống, du khách có thể lên chòi cao ngắm từng đàn chim chao cánh tìm về tổ trong ráng chiều.
Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngôn ngữ cũng có âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác kết hợp với cây lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, tiếng chim vịt kêu chiều chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt…
Sân chim Vàm Hồ có không gian trong lành, thoáng mát |
Tới thăm sân chim Vàm Hồ, du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, thăm quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.
Sân chim Vàm Hồ là sự diệu kỳ của thiên nhiên mà tạo hóa đã ban cho Bến Tre. Cảnh đẹp nơi đây sẽ khiến khách du lịch cuối tuần quên hết những lo toan mệt nhọc của đời sống thường nhật và thêm nguồn hứng khởi cho một ngày làm việc mới.
Theo Travel Zizi
Đăng nhận xét