Trở lại Hà Giang, tôi đến Săm Pun, thuộc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, nơi được biết đến là một mảnh đất nghèo khó với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng khắc nghiệt.
Săm Pun, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang |
Săm Pun cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng hơn 30 km. Rời Mèo Vạc vào một buổi sớm tinh mơ khi sương còn chưa tan, chúng tôi chạy về hướng đèo Mã Pì Lèng trứ danh. Đến chân đèo sẽ có một ngã rẽ hướng đi Xin Cái, chính là đường dẫn đến cửa khẩu Săm Pun. Sau vài chục khúc cua ngoằn nghèo chừng hơn 6 km, đến một quãng cứ đổ dốc xuống mãi xuống mãi, cho đến khi nhìn sông Nho Quê hiện ra thật gần với màu xanh ngọc lục bảo kỳ lạ vốn có của nó. Tại đây có một cây cầu tên Tràng Hương. Theo vành đai biên giới rồi lại men theo các triền núi bên tay trái là đường lên cửa khẩu.
Săn Pun có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng khắc nghiệt |
Đường lên cửa khẩu Săm Pun tuyệt đẹp với những khúc cua cong vút thách thức bất kỳ tay lái nào. Mây trời trên các đỉnh núi nhiều đến độ cho người ta cảm giác chỉ cần với tay là có thể chạm tới. Có những quãng, hai bên đường đi lại rợp những hàng lau cao ngang người tạo thành một khung cảnh vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng. Cứ lên mãi qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác. Nhiều quãng như thể đi trong mơ. Khi ấy là gần 9h sáng nhưng trời vẫn ngậm ngụa trong mây và sương. Đường lên Săm Pun cứ lên cao mãi như thể sẽ lên đến tận trời. Nhiều khi nhìn xuống dưới chẳng thấy gì chỉ ngoài một màn trắng xoá của tầng tầng lớp lớp mây, thỉnh thoảng mây bay đi một chút mới thấy mờ mờ sông Nho Quế và con đường phía dưới nhỏ xíu như một sợi chỉ và uốn lượn ngoằn nghèo như hàng trăm con giun đang quặn mình.
Đường lên Săm Pun nhìn xuống dưới |
Chúng tôi đi trên những sống núi, vắt từ sống núi này đến sống núi kia. Thời tiết mỗi lúc lại thay đổi nhanh chóng. Vừa đến quãng này trời hửng nắng do mây bay đi, thì lại đến một quãng sương mù sà cả xuống đường, lại có quãng gió to thổi mây bay là là ngay trước mặt và lạnh tê tái. Lại có chỗ nhìn ra phía xa như một biển mây, nhìn xuống dưới như một đại dương trắng xoá.
Con đường lên cửa khẩu càng lúc càng heo hút. Suốt dọc chặng đường hơn 30 km, tôi không nhớ nổi mình đã qua bao nhiêu quả núi, bao nhiêu khúc cua tay áo, bao nhiều đường viền tạo thành chữ M rồi chữ W cheo leo trên các sống núi. Thứ cảm xúc khi vừa chui ra khỏi mây được bắt gặp những tia nắng trong trẻo rồi chưa kịp chạm vào thì lại cuống quýt rúc vào mây, tuyệt đối không có một tiếng động nào khác ngoài tiếng máy xe và tiếng gió thổi ù ù bên tai thật là thú vị.
Trạm gác cửa khẩu Săm Pun yên bình và tĩnh lặng |
Thi thoảng chúng tôi dừng chân để nhìn lại con đường mình vừa đi qua với một bên là những vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu và những dải núi như hình những cánh quạt đủ kích cỡ. Thứ cảm xúc ấy hòa trộn với dòng tưởng tượng về con đường lên Săm Pun vài năm trước khi chưa làm đường với toàn đất đá lồi lõm, lổn nhổn đi lại vô cùng khó khăn tạo nên trong tôi một kỷ niệm tâm tưởng khó có thể diễn tả được.
Đến trạm gác cửa khẩu Săm Pun lúc 11h trưa, ấn tượng đầu tiên của tôi về nơi này là sự yên bình và tĩnh lặng đến ngạc nhiên cho cảm giác xa xôi, heo hắt của miền biên ải rất rõ rệt. Đồn biên phòng nằm lọt thỏm giữa hai quả đồi, trong một khung cảnh vắng vẻ. Đồn làm nhiệm vụ bảo vệ từ Sơn Vĩ vòng lên Xín Cái đến xã Thượng Phùng. Chúng tôi vào Đồn biên phòng để trình báo và xin phép đi thăm cột mốc 476.
Cột mốc 476 gần của khẩu Săm Pun |
Chúng tôi vào báo cáo tình hình, các chú, các anh bộ đội biên phòng nghe thấy hai đứa con gái đi xe máy từ Hải Phòng đến Bắc Hà rồi mò đến tận đây lại còn xin phép đi cột mốc thì mắt tròn mắt dẹt, hết lời dặn dò rồi thêm chút dọa dẫm, nào là đi cẩn thận vì khu vực biên giới này đặc biệt nhạy cảm và nguy hiểm, hay bắt cóc lắm, có nhiều ngã rẽ nhỏ, rẽ nhầm là sang Trung Quốc ngay và nhất định không được đi tầm chiều tối. Sau khi được phép vào mốc, chúng tôi được anh Lùng, cán bộ đồn kiểm soát dẫn đi.
Từ đồn biên phòng đi xe máy qua con dốc bên kia khoảng hơn 1km mới đến trạm gác cuối, có một thanh barrie và từ đây phải đi một đoạn đường đất nữa mới đến được cột mốc. Qua thanh chắn là danh giới vô cùng nhạy cảm, chỉ có cán bộ tuần tra làm nhiệm vụ và dân vùng biên hai nước đi qua đi lại giao thương.
Chợ chung của dân biên giới 2 nước VN - TQ |
Ở đây có một khu chợ chung để hợp chợ phiên của hai nước, gọi là chợ lùi. Chẳng hạn, mình họp chợ hôm thứ 7 thì tuần sau Trung Quốc sẽ lùi lại một hôm, cứ như thế. Cũng theo như cán bộ nói thì từ điểm Mèo Vạc rẽ theo hướng Xín Cái, chúng tôi đã qua 37 khúc cua mới đến được đây. Đồn biên phòng Săm Pun nằm trên độ cao hơn 2.000 m, cao hơn cả Mã Pì Lèng. Ở đây cái khắc nghiệt và giá lạnh của mùa đông có lẽ khó nơi nào bì, quanh năm sương mù, mặt trời chỉ xuất hiện trên đầu ngón tay. Hầu như năm nào cũng có băng tuyết vào mùa đông, cây cối hoa màu có khi chết sạch, chỉ còn thông, tùng, sa mộc ở lại, bà con dân tộc và cán bộ biên phòng chân tay cước sưng vù, nứt toác chảy máu. Kể cả khi dưới xuôi là mùa hè thì trên này vẫn là mùa đông.
Cung đường Săm Pun tuyệt đẹp “vời vợi mây trời” |
Tôi rời Săm Pun với đa chiều cảm xúc. Một mặt vừa chưa hết cảm giác đã đời khi đi qua một cung đường tuyệt đẹp “vời vợi mây trời”, núi non hùng vĩ, vừa là niềm hân hoan, sung sướng khi thực hiện được nguyện vọng đến thăm cột cốc 476.
Hòa trong đó là niềm trăn trở suy nghĩ về cái khổ cực, nghèo đói của đồng bào dân tộc trong cái khắc nghiệt của thời tiết, nhưng đâu đó lại là cảm giác ấm áp tình đồng bào trong những câu chuyện của một kẻ lữ khách người Kinh với bà con miền ngược, trong những cái bắt tay thật chặt của những chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi biên cương tổ quốc.
Theo Sunflower Pham (Ngôi Sao)
Đăng nhận xét