GuidePedia

0
Những ai sinh ra ở Phan Rang, Ninh Thuận ắt hẳn đều có một thời tuổi thơ với một thứ đồ chơi rất quen thuộc: Gà tàu dúc dích. Tại Ninh Thuận, con gà tàu xuất phát từ làng An Thạnh, huyện Ninh Phước và duy nhất được làm ở đây. Thậm chí, những người xa quê lâu năm khi nhìn thấy con gà thì biết ngay đó là người làng An Thạnh mà nhận đồng hương.

Món đồ chơi Gà tàu dúc dích
Món đồ chơi Gà tàu dúc dích
Nghề làm gà tàu hay còn gọi là gà đất được cho là xuất hiện cách đây hơn 100 năm. Có rất nhiều huyền thoại xung quanh nguồn gốc của loại đồ chơi đặc biệt này. Câu chuyện mà người làng ở đây vẫn truyền nhau nhất là thủa xa xưa, ông tổ của nghề này sang Trung Quốc và mua được một cặp gà rất đẹp, giống tốt nhưng lại không có khả năng sinh sản. Ông rất bực mình không hiểu tại sao lại có chuyện vô lý đó. Căn nguyên này đã dẫn dắt ông đến ý tưởng làm những con gà bằng đất đầu tiên, những con gà vừa có thể gáy lại vừa cục tác...

Câu chuyện trên có nhiều chi tiết đã nhuốm màu thời gian, khó xác minh được tính hư thực, nhưng một con gà “hai trong một” được làm từ đất và có tuổi đời hàng trăm năm lịch sử là điều hoàn toàn thật.

Gà tàu được làm từ đất Phan Rang
Gà tàu được làm từ đất Phan Rang

Về cơ bản, gà đất cũng tương tự như những con tò he đất ở vùng Hội An, được làm bằng đất và phát ra tiếng kêu khi thổi. Một điểm đặc biệt hơn là trong một chú gà đất dúc dích lại có thể vừa phát ra tiếng cục tác, vừa gáy ò ó o tùy vào cách chúng ta kéo- đẩy hay thổi vào con gà . Thoạt nhìn, sự đơn sơ, thủ công khiến người ta dễ bỏ qua chúng. Ít ai biết rằng, phía sau một thứ đồ chơi tưởng như rất đơn giản ấy là cả một kỳ công và sáng tạo.

Mảnh đất Phan Rang thiếu mưa thừa nắng cỗi cằn nhưng lại ưu đãi cho người dân ở đây một số loại đất thích hợp cho ngành thủ công mỹ nghệ. Tiêu biểu là đất ở tại cánh đồng Chăm ở thị trấn Phước Dân- nguyên liệu chính của sản phẩm gốm mỹ nghệ Bầu Trúc. Dulichgo

Riêng loại đất làm gà dúc dích phải được lấy từ hạ lưu con sông Lu, cách làng An Thạnh 2 km. Đất ở đây nơi dẻo quánh, không lẫn cát, để đảm bảo sản phẩm không bị bở, thích hợp cho việc tạo hình. Đất mang về trải qua một quá trình “muối đất” ít nhất 3 ngày (ủ với nước trong lu đất) cho “dẻ” ra, sau đó lại mang ủ trong các bịch ny-long nhỏ cho kết lại.

Anh Nguyễn Hữu Phương đang thực hiện in khuôn con gà Tàu
Anh Nguyễn Hữu Phương đang thực hiện in khuôn con gà Tàu

Tiếp đó, cho đất vào khuôn (khuôn tự tạo) và ép lại theo đường cong hình thù con gà. Cái khuôn ở đây có 4 mảnh, người thợ sẽ dán các mảnh lại với nhau (dán lại cũng bằng đất ướt) tạo thành con gà hoàn chỉnh. Tiếp đó là giai đoạn gọt đất, và phơi nắng.

Công đoạn làm kèn sao cho nó kêu cũng là một kỳ công. Kèn được làm từ cây trúc, yêu cầu phải rỗng nên người thợ phải lặn lội đi 50 cây số, lên tận vùng núi ở hồ sông Trâu mới tìm được những cây trúc phù hợp. Kèn trúc trải qua một quá trình cân chỉnh, thử đi thử lại nhiều lần thì mới gọi là đạt yêu cầu. Sau đó là giai đoạn phơi khô, ráp bầu hơi cho gà, sơn vẽ và hoàn thiện.

Quá trình làm gà tỉ mỉ là thế, nhiều công đoạn là thế nhưng một con gà đất bán ra hiện nay cũng chỉ có 5.000 đồng. Giữa thời buổi đồ chơi Việt còn khốn đốn bởi sự du nhập ồ ạt của hàng ngoại thì con gà đất đã một thời bị đứt đoạn và lãng quên. Ngôi làng An Thạnh ngày xưa với mấy chục người sống bằng nghề làm gà đất hiện nay chỉ còn lại duy nhất một người bám trụ với nghề.

Rổ gà đất đã thành phẩm
Rổ gà đất đã thành phẩm

Anh Phương- người thợ làm gà đất còn sót lại chia sẻ: “ Đam mê làm gà từ năm 14 tuổi, tui tự đi học nghề của ông thầy trong làng, mê đến mức bỏ học. Sau một thời gian theo đuổi mấy mươi năm, tui đã bỏ nghề một thời gian dài tại vì mình làm ra mà không biết cách đi bán. Buồn tình, tui mang rổ gà đất bán từ Phú Yên trở vô đến tận Hóc Môn và chỉ mới bán lại ở tỉnh mình 2 năm trở lại đây thôi”. Cũng bởi cái tên gà tàu nên có khi khách hàng nghi ngờ đấy là đồ chơi Trung Quốc, anh đã phải giải thích rất nhiều lần. “Có phóng viên đến phỏng vấn cho tui cái danh thiếp của ổng, tui phải đi ép nhựa rồi có ai nghi ngờ tui lấy ra nói có phóng viên người ta làm chứng đàng hoàng nè, tui không có bán hàng Trung Quốc đâu”.

Tuổi thơ của thế hệ 8X đời đầu chúng tôi và trước đó nữa vẫn không quên có những buổi chợ trưa, mẹ mang về cho mấy đứa con vài con gà đất. Cái thời đồ chơi thiếu thốn, bọn trẻ con chúng tôi thích mê vì nó quá lạ lẫm. Con gà được nâng niu trên tay, chị em tôi vừa thổi một cách sung sướng, vừa canh chừng sợ mấy đứa hàng xóm nghịch như quỷ sứ sẽ làm rơi vỡ. Thằng em tôi thỏ thẻ với đứa bạn nối khố của nó, mắt vẫn không ngừng dán chặt vào con gà: “Cho mày chơi một chút thôi nha”.

Tuổi thơ nhiều thế hệ Phan Rang gắn với gà tàu
Tuổi thơ nhiều thế hệ Phan Rang gắn với gà tàu
Nhớ thằng cu Chì hàng xóm còn ôm con gà đất đi ngủ, tưởng tượng một ngày nào đó, sau một đêm nó sẽ…hóa thành con gà thiệt, gáy ò ó o kêu nó dậy đi học. Thời ấy cha mẹ đầu tắt mặt tối, chúng tôi tự chơi với nhau, đứa nào có con gà đất làm bạn là sung sướng lắm. Đến nỗi sau này, giữa những xoay vần cuộc sống, thỉnh thoảng con gà đất vẫn đến trong những giấc mơ hay hiện diện trong những câu chuyện với những người bạn bốn phương tứ xứ.

Ngày qua ngày, người thợ cuối cùng của làng vẫn cặm cụi làm ra những con gà đất nhỏ và mang đi khắp nơi bán để đâu đó trong mỗi nhà, những đứa trẻ của thời tiện nghi vẫn có được những phút giây trầm trồ thích thú thơ dại. Đâu đó trong những ngày xuân rộn rịp, những người già khi nhìn lại món đồ chơi bé nhỏ lại có dịp nhớ về một thời tuổi thơ gian khổ, cháy khét mái đầu rạng rỡ mừng đón những món quà của bà, của mẹ. Để đâu đó trong cuộc sống bon chen, hối hả, những người con của quê hương lại một lần lắng lại để tự hào vì giá trị lâu đời và tính nhân văn, nghệ thuật của món đồ chơi giản dị một thời vang bóng.

Theo Tapai (Người Lao Động)

Đăng nhận xét

 
Lên đầu